Cái nhìn sâu về ''đại chiến lược'' kế tiếp của nước Mỹ

Chủ nhật, 29/1/2023 | 20:12 GMT+7

Nếu quá khứ có thể mang lại một sự chỉ dẫn nào đó, thì những áp lực mang tính hệ thống mới này có khả năng dẫn đến một sự thay đổi lớn trong đại chiến lược của Mỹ.

Ngày 14/11/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) có cuộc gặp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali (Indonesia). Trong 3 giờ thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến kiểm soát bất đồng trong quan hệ hai nước. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, đã có 3 lần các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có động cơ, phương tiện và cơ hội để thiết lập một “đại chiến lược” mới.

Đầu tiên là vào cuối những năm 1940, khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ buộc phải đối mặt với thực tế mới về một cuộc cạnh tranh lưỡng cực mang tính ý thức hệ với Liên Xô.

Trong trường hợp này, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã thông qua một đại chiến lược “ngăn chặn,” được xác định bởi việc Mỹ sử dụng sức mạnh để kiểm soát ảnh hưởng của Liên Xô.

[Chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương: Thống nhất để chia rẽ?]

Lần thứ hai là vào đầu những năm 1990, khi giới hoạch định chính sách Mỹ nắm bắt thời cơ là sự kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh và sự khởi đầu của cái gọi là “Thời điểm Đơn cực.”

Nhân cơ hội này, khi các điều kiện mang tính cơ cấu của ưu thế địa chính trị và quyền bá chủ về ý thức hệ của Mỹ trở nên rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã nhất trí về một đại chiến lược về ưu thế quân sự của Mỹ nhằm phục vụ cho việc tạo ra và duy trì một trật tự quốc tế tự do toàn cầu thực sự.

Cơ hội thứ ba, hiện vẫn đang tiếp diễn, bắt đầu vào giữa những năm 2010, khi thế đơn cực rõ ràng phải nhường chỗ cho kỷ nguyên cạnh tranh đa cực giữa các cường quốc hiện nay.

Khoảng hơn một thập kỷ trước kỷ nguyên mới này, cuộc tranh luận về cách tốt nhất để thích ứng với thực tế địa chính trị mới này vẫn chưa được giải quyết, với ít nhất 5 tầm nhìn cạnh tranh nhau về đại chiến lược kế tiếp của Mỹ vốn vẫn còn gây tranh cãi.

Tầm nhìn đầu tiên trong số này là chủ nghĩa quốc tế tự do. Chiến lược này thể hiện sự tiếp nối chiến lược của Mỹ trong những năm sau Chiến tranh Lạnh, nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của trật tự quốc tế mới.

Nó tập trung vào việc sử dụng sức mạnh của Mỹ để duy trì cái mà ngày nay được gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ (RBIO).

Trong hình thái hiện đại, chủ nghĩa quốc tế tự do đặt kỳ vọng về sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn thế giới để hỗ trợ một trật tự quốc tế được xây dựng dựa trên thương mại mở và tự do, dân chủ và nhân quyền.

Dù thừa nhận rằng thời điểm đơn cực đã qua và sự trỗi dậy của các cường quốc đối địch là không thể tránh khỏi, chủ nghĩa quốc tế tự do vẫn kỳ vọng rằng việc trói buộc các cường quốc đó vào một mạng lưới dày đặc các thể chế do Mỹ lãnh đạo sẽ hạn chế sự cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và ngăn chặn nguy cơ các cường quốc có tư tưởng xét lại âm mưu lật đổ trật tự quốc tế hiện hành.

Tầm nhìn này cũng xác định rằng khi tính ưu việt của Mỹ củng cố RBIO, Washington phải duy trì các lực lượng quân sự vô song có khả năng ngăn chặn hoặc phòng vệ để chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào đối với trật tự đó.

Đại chiến lược thứ hai hiện đang gây tranh cãi là chiến lược can dự sâu rộng, tương tự với chủ nghĩa quốc tế tự do ở một số khía cạnh nhưng khác với chủ nghĩa này ở những điểm quan trọng. Sự tương đồng ở chỗ nó ủng hộ quyền ưu tiên của Mỹ và sự hiện diện mạnh mẽ của các lực lượng Mỹ.

Tuy nhiên, can thiệp sâu rộng khác với chủ nghĩa quốc tế tự do ở chỗ nó tập trung một cách chặt chẽ hơn vào các khu vực trên thế giới như châu Á, châu Âu và Trung Đông - những khu vực được những người sự ủng hộ chiến lược này coi là có tầm quan trọng đặc biệt với Mỹ.

Chiến lược này còn khẳng định rằng Mỹ nên duy trì các lực lượng quân sự ở những khu vực đó không chỉ để ngăn chặn các bá chủ khu vực thù địch nổi lên, mà còn để làm giảm bớt bất kỳ sự cạnh tranh tiềm tàng nào trong khu vực có thể nổ ra nếu không có sự hiện diện trấn an của các lực lượng Mỹ.

Mặc dù một trong những mục tiêu của chiến lược can dự sâu là một trật tự quốc tế ổn định do Mỹ lãnh đạo, không giống như chủ nghĩa quốc tế tự do, chiến lược này còn có xu hướng không coi việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền là những mục tiêu chiến lược.

Tầm nhìn chiến lược lớn thứ ba gây tranh cãi là tầm nhìn cạnh tranh chiến lược. Đây là một đại chiến lược hoàn toàn bao hàm ý tưởng rằng trật tự quốc tế hiện tại là một trong những cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đa cực và khuyến nghị rằng Mỹ nên cạnh tranh có mục đích và hiệu quả hơn.

Chiến lược này có cả phiên bản tối giản và tối đa.

Phiên bản tối giản - cạnh tranh chiến lược có quản lý - nhấn mạnh rằng mục tiêu của cạnh tranh chiến lược với đối thủ thực sự duy nhất của Mỹ-Trung Quốc - là một hình thức cạnh tranh ổn định, trong đó đối thủ không bị coi thường, cũng không bị coi là mối đe dọa hiện hữu, và mục tiêu của chiến lược không phải là chiến thắng hoàn toàn đối thủ này.

Một biến thể khác, theo chủ nghĩa tối đa, đóng khung bối cảnh chiến lược mới là “Chiến tranh Lạnh lần thứ hai” và kêu gọi áp dụng một phiên bản cập nhật của đại chiến lược ngăn chặn trong Chiến tranh Lạnh, trong đó Trung Quốc là một đối tượng mới.

Kiềm chế, tầm nhìn cạnh tranh thứ tư, là một đại chiến lược dựa trên giả định rằng Mỹ không nên sử dụng các nguồn lực quốc gia của mình để duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, mà thay vào đó sử dụng sức mạnh này để theo đuổi các mục tiêu hạn chế hơn là bảo vệ quê hương Mỹ, đảm bảo lợi ích chung toàn cầu và duy trì sự cân bằng quyền lực ổn định ở các khu vực quan trọng của thế giới.

Mặc dù có một số điểm tương đồng với chiến lược can dự sâu rộng, song tầm nhìn này khác với đại chiến lược kia ở chỗ nó bác bỏ lập luận rằng việc duy trì sự cân bằng ổn định như vậy đòi hỏi phải có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ với mạng lưới đồng minh và các thỏa thuận đặt căn cứ rộng lớn liên quan.

Thay vào đó, đại chiến lược mang tính kiềm chế và thực tế này ủng hộ việc bảo vệ khu vực có đất nước Mỹ (Bắc Mỹ hoặc Tây bán cầu) và triển khai các lực lượng ở nước ngoài chỉ để ngăn chặn sự xuất hiện của một bá quyền ở các khu vực trọng điểm của châu Âu, Đông Bắc Á hoặc Vịnh Persia, hoặc để ngăn chặn một quốc gia khỏi sự thống trị của cộng đồng toàn cầu.

Thay vì kiểm soát thế giới, Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia khác đi đầu trong việc kiểm soát các bá quyền tiềm tàng trong khu vực, theo đó sẽ chỉ can thiệp khi cần thiết.
Tầm nhìn cuối cùng được gọi là đại chiến lược “tiến bộ.”

Tầm nhìn này có bề ngoài giống với chiến lược kiềm chế nói trên ở chỗ cả hai đều ủng hộ việc giảm chi tiêu quốc phòng, thu hẹp dấu ấn quân sự của Mỹ ở nước ngoài và từ bỏ các cuộc chiến tranh không quan trọng và các hình thức phiêu lưu quân sự khác.

Tuy nhiên, hai đại chiến lược này về bản chất là khác nhau nếu xét về logic lý thuyết cơ bản của chúng. Trong khi đại chiến lược kiềm chế dựa trên chủ nghĩa hiện thực, thì đại chiến lược tiến bộ dựa trên một lý thuyết xã hội tiến bộ hơn - một lý thuyết coi cả xã hội trong nước và quốc tế đều bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng về cấu trúc và coi quan điểm của đại chiến lược là hoạt động để chấm dứt những bất bình đẳng này ở cấp độ toàn cầu.

Kết quả là, đại chiến lược tiến bộ có xu hướng ưu tiên các mục tiêu như công bằng môi trường, chống lại chủ nghĩa độc đoán và giải quyết các tệ nạn xã hội của thế giới theo cách mà những người theo chủ nghĩa hiện thực, kiềm chế không làm được.

Hiện vẫn chưa biết chắc chắn các cuộc tranh luận này sẽ diễn ra chính xác như thế nào. Việc tiến trình tương lai của đại chiến lược của Mỹ sẽ được định hình bởi một mức độ liên tục dường như là điều không cần bàn cãi - chủ nghĩa quốc tế tự do và bản năng can dự sâu sắc của nền tảng chính sách đối ngoại Mỹ vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhưng có những áp lực mạnh mẽ mang tính hệ thống (hầu hết bắt nguồn từ sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đa cực) đang thúc đẩy xu hướng thay đổi.

Nếu quá khứ có thể mang lại một sự chỉ dẫn nào đó, thì những áp lực mang tính hệ thống mới này có khả năng dẫn đến một sự thay đổi lớn trong đại chiến lược của Mỹ - một sự thay đổi giống như sự chuyển đổi sang chiến lược ngăn chặn khi thế lưỡng cực của thời kỳ Chiến tranh Lạnh bắt đầu, và sự chuyển đổi sang chủ nghĩa quốc tế tự do khi thế lưỡng cực nhường chỗ cho giai đoạn đơn cực của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh./.